Những giải pháp hạn chế tín dụng đen thông qua việc giới thiệu tín dụng xanh cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Thạnh Phú

        Trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước nói chung, huyện Thạnh phú nói riêng rất nhiều vụ vỡ nợ, vỡ hụi,...gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhiều cá nhân và gia đình. Nạn nhân của các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” cũng rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp, lứa tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau nhưng phần đông là hội viên phụ nữ. Bên cạnh đó, do ham lời, nhiều người đã rơi vào bẩy của tín dụng đen, từ vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao đã vô tình trở thành vừa là nạn nhân vừa là đối tượng tham gia đồng phạm trong đường dây tín dụng đen. Hệ lụy phát sinh từ tín dụng đen dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như bắt giữ người trái pháp luật, phá hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, ...

            Do đó, việc triển khai “phủ xanh tín dụng xanh” trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Thạnh phú nói riêng là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp hội viên, phụ nữ và người dân được tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng chính thống, an toàn để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống và là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển an toàn, bền vững của nền kinh tế nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng.

         Để góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen và triển khai thực hiện tốt chương trình “phủ xanh tín dụng xanh” trong hội viên phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn huyện Thạnh phú trong thời gian tới; Hội LHPN huyện đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

         - Tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến tín dụng đen thông qua các trang mạng zalo, facebook; sinh hoạt BCH, chi, tổ hội, tổ, nhóm, tổ nhân dân tự quản,...nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa liên quan đến “tín dụng đen” cho cán bộ, hội viên, phụ nữ. Đồng thời, tạo điều kiện giúp chị em hiểu biết đầy đủ các quy định pháp luật về giao dịch, các phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn với lãi suất cao; hậu quả của tín dụng đen và các vụ việc vỡ hụi để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành tốt chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, Hội LHPN huyện và các xã, thị trấn còn tuyên truyền vận động chị em phụ nữ hưởng ứng các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, “Đồng khởi, khởi nghiệp” tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp. Duy trì và nhân rộng phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình; hỗ trợ cây, con giống, ngày công lao động nhằm hỗ trợ phụ nữ khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

        - Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để người dân chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng lành mạnh; tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo để Nhân dân hiểu rõ hành vi, hậu quả của hoạt động “tín dụng đen”; vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”,...triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt lao động nữ là rất cần thiết. Hội các cấp đã phối hợp tổ chức dạy nghề, truyền nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn lao động tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phòng ngừa “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.

       - Rà soát, nắm chắc nhu cầu vay vốn của hội viên, phụ nữ và Nhân dân để tuyên truyền, vận động, kết nối, tạo điều kiện cho người có nhu cầu tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi của các Ngân hàng; của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; chương trình tin dụng tiết kiệm, thực hiện có hiệu quả các hình thức cho vay ủy thác, cho vay thông qua tổ tiết kiệm, vay vốn. Tăng cường giám sát địa bàn khu dân cư, vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân tham gia giám sát, phát hiện và tố giác các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; phối hợp giám sát, ngăn ngừa và xử lý theo pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, phụ nữ tham gia các hoạt động có liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi,...phối hợp các ngành chức năng thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

        - Giới thiệu các chế độ, chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội; Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ và nhân dân được tiếp cận nguồn vốn an toàn để đầu tư, phát triển sản xuất; ngoài ra, Hội còn lồng ghép nguồn lực, đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, xây dựng năng lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho hộ hội viên vay vốn; tập trung các nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; mở rộng địa bàn phát triển ở vùng sâu, vùng xa.

       - Triển khai thực hiện nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế  huyện Thạnh phú trong cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn huyện; với hình thức cho vay tín chấp bảo lãnh nhóm, trả dần gốc, lãi và đóng tiết kiệm hàng tháng đã giúp cho thành viên vay vốn giảm áp lực trả nợ về cuối kỳ, điều này giúp khả năng hoàn trả của khách hàng được đảm bảo; đối tượng của quỹ và chương trình là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiện đang triển khai ở 16/18 xã, có 1.768 thành viên, thành lập 158 cụm, 583 nhóm; dư nợ vốn vay đến thời điểm này là 18,7 tỷ đồng.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm hưởng ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia, đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng chính phủ, Hội đã vận động và hướng dẫn cài đặt cho 577 cán bộ Hội, thành viên vay vốn và tổ chức triển khai thực hiện các gói vay nhận vốn và nộp gốc lãi qua tài khoản ngân hàng theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh; từ đó giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại cho thành viên vay vốn. Thông qua hoạt động tín dụng tại các tổ, nhóm do Hội LHPN huyện và các xã, thị trấn quản lý đã kịp thời tuyên truyền, vận động các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính phủ về tín dụng chính sách xã hội đến với cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân; phối hợp với các Ngân hàng triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; triển khai, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực hiện hoạt động tín dụng trong thời gian qua. Ngoài ra, hoạt động cho vay qua tổ đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay một cách thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân để chủ động trong sản xuất kinh doanh. Từ đó, phần nào góp phần hạn chế tín dụng đen trên địa bàn, ổn định tình hình an ninh, trật tự, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và nâng cao đời sống cho người dân.

          - Tăng cường phát huy hiệu quả nguồn vốn, thông qua việc lồng ghép triển khai tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án, đặc biệt là 02 đề án của Chính phủ: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) và Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01). Đẩy mạnh lồng ghép thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, khởi nghiệp từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Đề án của Chính phủ trong các Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm hỗ trợ các thành viên giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế; đóng góp tích cực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.