GƯƠNG THÀNH VIÊN ĐIỂN HÌNH SỬ DỤNG VỐN HIỆU QUẢ TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH

Thời gian qua, nắm bắt được nhu cầu tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định của chị em phụ nữ tại địa bàn xã An Khánh huyện Châu Thành, Hội LHPN xã đã hỗ trợ giới thiệu vay vốn, hướng dẫn thành lập nhiều mô hình hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là đối tượng phụ nữ.

 

Qua các mô hình, xuất hiện nhiều tấm gương chị em vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình là chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, sinh năm 1975, tại ấp An Phú Thạnh, xã An Khánh, huyện Châu Thành. Chị Hạnh được biết đến là một phụ nữ siêng năng, cần cù, ham học hỏi, nhiệt tình trong mọi hoạt động của Hội. Đồng thời, chị là tấm gương tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế gia đình.

Chị Hạnh sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Trước đây, chị cùng chồng chị là anh Hồ Văn Lợi buôn bán nón, túi xách nhỏ lẻ ở các chợ nhưng anh chị nhận thấy cứ mãi buôn bán thế này thì bao giờ mới khắm khá.

Không chấp nhận trước số phận, có ý chí vươn lên cùng với sự cần cù, siêng năng, chị Hạnh đã tìm tòi học hỏi kinh nghiệm ngoài các cơ cơ sở may chị còn được Hội LHPN phụ nữ xã định hướng, giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ Trợ Phụ Nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre với số tiền là 10 triệu đồng nên chị đã quyết định thành lập “Tổ may gia công” tại nhà vào đầu năm 2024. Có số vốn trong tay cùng với số tiền dành dụm tích góp và sự giúp đỡ của gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư vào máy may và máy vắt sổ.

 Nhờ tính chịu thương, chịu khó, không khuất phục trước khó khăn mà Tổ may của chị ngày càng phát triển. Một mặt tạo được việc làm cho 5 chị em ở xã, mặt khác tạo nguồn kinh tế vững chắc cho gia đình. Các mặt hàng của tổ may sản xuất ra được chồng chị đem đi bán, bỏ mối cho khách hàng hoặc may gia công cho các công ty có đơn đặt hàng cho thu nhập bình quân của các chị em khoảng 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Nhờ tính tiết kiệm, chí thú làm ăn mà gia đình chị kinh tế ngày càng phát triển có điều kiện sắm sửa được một ít vật dụng , tiện nghi cần thiết trong gia đình.

Chị Hạnh tâm sự với chúng tôi rằng: “Nghề may công nghiệp khá dễ, chị em chịu học sẽ dễ dàng làm được. Tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng người thợ may cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹĐây là một nghề rất phù hợp cho phụ nữ tại nông thôn, vừa chăm sóc gia đình, vừa có việc làm ổn định. Qua đó tôi vô cùng biết ơn chính quyền địa phương, chi hội ấp và Hội LHPN xã và đặc biệt là Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho tôi tiếp cận nguồn vốn để tôi thực hiện mong ước cũng như cải thiện cuộc sống gia đình không chỉ riêng bản thân tôi mà còn giúp đỡ được các chị em phụ nữ khác. Tôi mong muốn tổ may sẽ ngày càng phát triển để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho chị em trong ấp, trong xã’’.

Đây là một trong những gương phụ nữ dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, là tấm gương điển hình để các chị em học tập. Qua đó hy vọng trong thời gian tới, với nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Bến Tre sẽ thu hút được ngày càng nhiều chị em phụ nữ vay vốn để vượt qua khó khăn và cải thiện cuộc sống gia đình./.